Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Vài ý rời khi xem bộ phim "Khu vườn" của Doãn Hoàng Kiên

Không hiểu sao, sau khi xem lại mấy lần bộ phim “Khu vườn” của Doãn Hoàng Kiên, hình ảnh tôi nhớ nhất là hình ảnh cơn mưa vào đoạn cuối phim. Một cơn mưa được nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, một cơn mưa có gió bạt đi, một cơn mưa được nhìn từ xa, một cơn mưa như một tấm kính che ngang khu vườn, mà ở đó, có những sân thượng vắng người- một cơn mưa Hà Nội. Đúng vậy, cơn mưa này của Kiên, không hiểu sao làm tôi nhớ vô cùng về Hà Nội. Không phải cái Hà Nội cliché của Hồ Gươm, của thủ đô ngàn năm văn hiến, của cây bàng lá đỏ hay của mùi hoa sữa và tiếng leng keng tầu sớm khuya, mà là Hà Nội ngột ngạt của những khu xóm nhỏ,những dốc đê, những lối đi tráng xi măng bé xíu chỉ vừa chiếc bánh xe máy, của những khu vườn nhỏ bé xác xơ bất ngờ xuất hiện ở đáy ngõ, của những ánh đèn vàng vọt hiu hắt phía sau ô cửa sổ cuối ngày

Với tôi, cơn mưa của Kiên đúng là một cơn-mưa-Hà –Nội còn bởi cả khoảnh khắc xuất hiện của nó. Trước khi cơn mưa xuất hiện ( trong bộ phim dài 11 phút 30 giây của Kiên, cơn mưa xuất hiện ở phút thứ 10: 05 giây), những gì người xem thấy được chỉ là các mối quan hệ gia đình, bạn hữu, tức những mối quan hệ trong cuộc đời Kiên, mà sự xuất hiện của chúng trước ống kính máy quay, dù thoáng qua, hay dù thậm chí đủ thời gian để trở thành cả một cuộc đối thoại, đều có chút gì bất thường. Sự bất thường này nằm ở việc; chúng luôn là những cuộc gặp gỡ và đối thoại mà ở đó, hoặc là chỉ có một người nói (như đoạn Kiên nói chuyện với Tâm và Minh), hoặc là các nhân vật không thể đối thoại được với nhau (như đoạn Kiên nói chuyện với mẹ), hoặc là các nhân vật chỉ được xuất hiện trong khuôn hình từ xa, như một sự không-thể-với-tới (như những cảnh Kiên quay từ xa, trên cao về mẹ Kiên và đứa con trai của Kiên đang chăm sóc nhau).

Nói cách khác, khoảnh khắc xuất hiện cơn mưa trong bộ phim của Kiên đã như một điểm nhấn cho cả một quãng dài của các mối quan hệ bất thường, hay nói cách khác-của sự bất khả giao tiếp (discommunicability). Chúng ta cần lưu ý ở đây về khái niệm bất khả giao tiếp. Sự bất khả giao tiếp, theo tôi hoàn toàn khác với sự không giao tiếp (non-communication). Nếu như không giao tiếp là một tình trạng hoàn toàn phủ định, và do đó, không tồn tại bất kì nỗ lực nào; thì bất khả giao tiếp lại là một tình trạng, tuy cũng có tính phủ định, song bởi hàm chứa nỗ lực bất thành, nên luôn mang tính bi kịch. Một chi tiết khác trong bộ phim cũng làm rõ thêm không khí bất khả giao tiếp của nó: Dù luôn xuất hiện trong bộ phim như một nhân vật, đôi lúc tham gia tích cực và chủ động vào các cuộc gặp gỡ đối thoại, tuy nhiên, cùng lúc, Kiên cũng lại xuất hiện trong vai trò người kể chuyện (narrator), với giọng thật của anh vang lên suốt dọc chiều dài 11 phút 30 giây của bộ phim. Chính giọng đọc này đã biến toàn bộ các cuộc ĐỐI THOẠI của đời sống, thành cuộc ĐỘC THOẠI của riêng Kiên, qua đó, biến thực kiện thành tưởng tượng, biến thực tại thành hư cấu, và quan trọng hơn cả là, biến mọi GIAO TIẾP thành BẤT KHẢ GIAO TIẾP.

Đúng vậy, câu chuyện của Kiên còn là một câu chuyện về sự bất khả giao tiếp, nói cách khác, là về sự bất-khả-nói- ra, và do đó, là về sự bất-khả-yêu-thương, bởi có tình yêu thương nào không cùng lúc là sự nói-ra-yêu-thương. Ở đây, bất-khả-nói -ra không phải do không muốn nói ra, mà là do không-biết-làm-sao-để-nói-ra, làm sao để điều -được -nói , không “chỉ đơn thuần là ngôn từ hay miệng lưỡi, mà là hành động và sự thật” (John 3:18). Nhìn từ góc độ này, có thể nói, trong bộ phim của Kiên, các nhân vật, dẫu đã luôn nỗ lực tìm cách nói-ra-yêu-thương với nhau, song chính sự bất thành của các nỗ lực đó, tức sự bất thành của ngôn từ không chuyển hóa được thành hành động và sự thật, đã khiến cho tình-yêu-thương, dù vẫn luôn tồn tại đâu đó trong mỗi con người cô đơn xuất hiện trong phim, song đã không thể gặp được nhau để tạo ra sức mạnh tối cao của Sự-Thật: Sức Mạnh Hòa Giải.

Và đúng vào phút thứ 10:05 giây của bộ phim, cơn mưa đã xuất hiện.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên rơi vào cái bẫy cliché của việc diễn giải cơn mưa như một điều gì có tính gột rửa, tẩy xóa, như một sự viện-tới-thiên-nhiên trong vai trò nguồn mạch xoa dịu và an ủi. Trái lại, với tôi, cơn mưa này trong phim- được quan sát qua khung cửa sổ hẹp, một cơn-mưa-Hà-Nội, thậm chí còn mang cái sức mạnh phá hủy; phá hủy ký ức, phá hủy mối quan hệ giữa Kiên và quá khứ của anh được ẩn dụ qua khu vườn, phá hủy/tẩy xóa mọi nỗ lực giao tiếp để biến chúng thành một không-gian-hư-vô. Chúng ta lưu ý rằng, trong đoạn cơn mưa xuất hiện, Kiên vẫn đang đứng phía sau khung cửa sổ để “quan sát”, bình luận về cơn mưa, chứ không hề tham gia vào cơn mưa ấy. Cơn mưa và Kiên vẫn ở ngoài nhau, vẫn "đứt liên lạc" với nhau. Như thế, kể cả thiên nhiên, giờ đây, cũng đã chỉ là một nhân-vật của Kiên, nói cách khác, một mảnh-lẻ bất khả giao tiếp với các mảnh-lẻ khác trong cuộc sống của “mảnh-lẻ-Kiên”.

Chính thiên nhiên, ở đây, cũng đã "bất đã lực như lời”

Một cảm giác u sầu, không phải của việc không-có-được-một-điều-gì, mà của việc không thể lý giải và qua đó, hòa giải được với tất cả những gì mà mình nghĩ là mình đang có- chắc chắn sẽ là cảm giác sẽ xuất hiện tràn ngập trong bộ phim “Khu vườn” của Doãn Hoàng Kiên.

Tuy nhiên, không phải vì những điều này mà bộ phim của Kiên trở nên một điều gì có tính phủ định triệt để. Trong vai trò là một tái hiện (representation), những gì người xem ( mà ít ra là tôi) thấy được có vẻ chỉ là các mảnh lẻ bất khả giao tiếp, và vì thế, bất khả hàn gắn; Song trong vai trò là một tự sự thực, bộ phim lại đã trở nên một hành vi dũng cảm của một hữu thể thực hữu, ở đây là Kiên, trong nỗ lực biến “ngôn từ thành hành động và sự thật”, tức trong nỗ lực tìm cách nhìn sâu vào chính cuộc đời mình – để qua đó, tìm cách hòa giải với nó

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới đoạn văn của Homi K.Bhabha viết trong cuốn The location of culture của ông :

Hồi nhớ không hề là một hành vi nội chiếu thảnh thơi, nó luôn liên đới tới sự đớn đau khi kẻ hồi nhớ phá vỡ quá khứ ra từng mảnh nhỏ, tái thiết chúng nhằm cung cấp ý nghĩa cho những thương tổn trong hiện tại”. (Homi K. Bhabha, The Location of Culture, Routledge, 1994, p. 90)

Chính ở khía cạnh này, tôi đã nhìn thấy niềm hy vọng qua bộ phim của Kiên. Không phải niềm hy vọng mà theo tôi, có vẻ như không hề hiện hữu trong bộ phim ấy, mà là niềm hy vọng cho chính cuộc đời thực hữu của Kiên- kẻ đã dũng cảm “hồi nhớ”, “phá vỡ quá khứ ra từng mảnh nhỏ” để “cung cấp ý nghĩa cho các thương tổn trong hiện tại”- qua đó, tìm cách hòa giải với chính thực tại của mình.

Và, như ngôn từ, ở đây, đã có cơ hội trở thành hành động và sự thật, nghệ thuật ở đây, cũng đã có được cơ hội để

Trở-Nên-Chính-Cuộc-Đời.

------






Doãn Hoàng Kiên trong buổi chiếu phim và trao đổi do Ga 0, không gian nghệ thuật độc lập tại TP HCM tổ chức






©Như Huy

------
Mời các bạn xem phim:


( Cảm ơn Doãn Hoàng Kiên đã cho phép đưa bộ phim ngắn của anh lên blog Như Huy)

1 nhận xét: