Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

TRẦN DẦN- NHÀ VỊ NIỆM [conceptualist) ( hai bài viết cũ về Trần Dần)



1- TRẦN DẦN VÀ NGHỆ THUẬT VỊ NIỆM

Có thể nói tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần chính là một tác phẩm trọn vẹn nhất của nghệ thuật vị niệm (conceptual art). Trần Dần chính là nhà vị niệm (conceptualist) đầu tiên của văn nghệ Việt Nam.

Trong bài viết “Sentences on conceptual art” của Sol Lewitt, bài viết từng được nhà phê bình Peter Shjeldahl đánh giá là “…một trong những bài viết âm vang và phi thường nhất về triết lý mỹ học từ thời Aristot…” (Nicole Baume, The music of forgetting). Sol Lewitt đã viết:

“15 – Bởi về thực chất, chẳng có hình thức nào đứng cao hơn hình thức nào, thế nên nghệ sỹ có thể sử dụng mọi hình thức cho tác phẩm của mình -từ những sự thể hiện qua ngôn từ (viết hay nói) cho tới các thực tại vật chất- tất cả đều bình đẳng.”

Thông qua phát biểu đó, Sol Lewitt – một trong những nhà nghệ sỹ quan trọng bậc nhất của nghệ thuật vị niệm quả thực đã coi tư duy của nghệ sỹ trước khi bắt đầu tiến hành tác phẩm quan trọng hơn tác phẩm sau cùng. Tư duy ấy chính là cái ý tưởng động mà nghệ sỹ, từ đó, sử dụng để tạo nên tác phẩm. Nói cách khác, đó là cái lõi của tác phẩm.

Tất cả mọi tác phẩm của nghệ thuật vị niệm đều được xây dựng trên một cấu trúc như vậy, từ một ý tưởng đầu tiên, được triển khai và nâng cấp thông qua những biến thể, thậm chí vô vàn biến thể dưới sự kiểm soát của nghệ sỹ trong vài hình thái gốc và thông qua đó, đặt ra quy tắc để kiểm soát tổng thể.

Trong phương pháp để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vị niệm, ngoài điều vô cùng quan trọng là cái lõi gốc đầu tiên của tác phẩm, thì sự trung thành, kiên nhẫn và không thỏa hiệp của nghệ sỹ trong tiến trình tạo nên tác phẩm của mình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Cũng trong bài viết “Sentenses on conceptual art” của mình, Sol Lewitt đã nói: “… 6 – Trong quá trình thực hiện tác phẩm, khi nghệ sỹ đổi ý giữa chừng, thì chính lúc ấy, anh ta đã thoả hiệp với kết quả và rốt cuộc chỉ lặp lại những kết quả trong quá khứ Có thể nói việc không thay đổi và thỏa hiệp trong tiến trình tạo nên tác phẩm chính là một trong những tiền đề của nghệ thuật vị niệm.

Từ trào lưu nghệ thuật hiện đại khởi nguồn từ Cezanne của thế kỷ 19 cho tới những nhà trừu tượng biểu hiện Mỹ thế kỷ 20 - trước khi nghệ thuật vị niệm ra đời – dù hình thức tạo nên tác phẩm có khác nhau đến mấy đi nữa, nhưng những thành tố chính để tạo nên nghệ thuật của vẫn không nằm ngoài mấy điều sau:

1 - Tính ngẫu nhiên hoặc sự tình cờ (trong lúc tạo nên tác phẩm).
2 - Sự đồng bóng của chính nghệ sỹ khi liên tiếp thay đổi kế họach trong việc tạo nên tác phẩm.
3 - Tất cả mọi mục đích của tác phẩm nhằm vào cú sốc thị giác đầu tiên của người xem khi chạm vào tác phẩm.
4 - Khiếu thẩm mỹ của nghệ sỹ.

Do 4 thành tố chính trên đây, dù với bất cứ mục đích gì, điều quan tâm chung của các nghệ sỹ - bắt đầu từ Cezanne, cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại cho tới các nhà trừu tượng Mỹ - luôn là tác phẩm. Rốt cục, tác phẩm sẽ trông ra sao? Ðẹp hay xấu, mạnh hay nhẹ, gây ấn tượng hay không? v.v… và v.v...

Với các nghệ sỹ vị niệm thì hoàn toàn trái lại. Trong một bài viết khác “Paragraphs on conceptual art”, Sol Lewitt cũng từng viết:

"…Tác phẩm trông ra sao không phải là điều quá quan trọng. Dù sao nó cũng phải có một hình tướng nào đó khi được thực hiện xong. Chẳng quan trọng gì việc tác phẩm sau cuối trông sẽ ra sao, mà điều quan trọng là -tác phẩm phải được khởi đầu với một ý tưởng. Chính tiến trình khái niệm hóa và rồi, tiến trình thực hiện tác phẩm mới là những gì nghệ sỹ phải quan tâm…"

Với các nghệ sỹ kể từ chủ nghĩa hiện đại cho tới trừu tượng biểu hiện nói trên, một kế hoạch chu đáo được chuẩn bị và thực hiện không thay đổi cho tới lúc hoàn tất tác phẩm là một điều gì đó không tưởng bởi về bản chất, nghệ thuật của họ xây dựng trên những quyết định nẩy sinh thông qua tình cờ và ngẫu nhiên – họ tin vào cách giải quyết khi gặp bất ngờ của họ, họ chờ đợi sự bất ngờ. Họ gieo “nhân” một cách ngẫu nhiên và bằng cách giải quyết khi gặp vấn đề (những vần đề do chính họ tạo ra một cách ngẫu nhiên và đôi khi không tự biết) họ gặt lại “quả”. Có thể nói, tác phẩm của họ là một liên tiếp của những thay đổi kế hoạch – nói theo ngôn ngữ nhà Phật, tác phẩm của họ được tạo ra trong nghiệp và là những tác phẩm tạo nghiệp.

Với những nhà nghệ thuật vị niệm, việc lập kế hoạch kỹ lưỡng cho tác phẩm từ ban đầu và thực hiện nó một cách không thay đổi cho tới khi kết thúc là một trong những khía cạnh quan trọng nhất. Tác phẩm của họ hoàn toàn không hề dựa vào tính vô thường và ngẫu nhiên, khiếu thẩm mỹ hay những quyết định thỏa hiệp - những cái là nền móng tạo nên toàn bộ hành trình mỹ thuật trước họ. Có thể nói, bằng cách nhẫn nại thực hiện kế hoạch của mình từ ban đầu, tác phẩm của những nghệ sỹ của nghệ thuật vị niệm đã loại bỏ toàn bộ những yều tố chi phối những trào lưu nghệ thuật trước họ như: cảm xúc của nghệ sỹ, sự tình cờ ngẫu nhiên trong quá trình làm việc, tính nhân quả của hành động, và tính vô thường mờ mịt của quyết định. Với sự từ khước những yếu tố nói trên, nghệ thuật vị niệm đã trở nên không đơn thuần chỉ còn là một trào lưu nghệ thuật tiền phong mà quả thực nó đã chính là một cấp độ được nâng cao của nhận thức con người về chân lý thông qua việc loại bỏ những ảo giác của chính họ (những ảo giác nẩy sinh từ sự va chạm của lục căn với đời sống) khi đối diện với thế giới bên ngoài cũng như đối diện với nghệ thuật. Các tác phẩm của nghệ thuật vị niệm thật sự đã dứt khỏi nghiệp để tạo nên sự giác ngộ sau cùng cho người xem.

Trở lại với nhà thơ Trần Dần, có thể thấy tập thơ Mùa sạch của ông đã là một bước đi kỳ lạ nếu so sánh với tất cả các tập thơ của các nhà thơ khác cùng thời (trước thời, thậm chí sau thời) và cả những bài thơ lẻ, tập thơ khác của ông.

Với một lõi xuyên suốt trong các bài thơ của mình (cái mà ông gọi là hạt nhân-thơ hạt nhân), Trần Dần đã tạo nên vô số biến thể để sử dụng cái lõi ấy như một cái máy sản xuất nghệ thuật – "a machine that makes art" (chữ của Sol Lewitt, "Paragraphs on conceptual art").

Từ một hạt nhân – cả tập thơ của ông đã phát triển thành một lũy thừa tiến của vô số biến thể. Có thể nói rằng, với tác phẩm Mùa sạch Trần Dần đã sử dụng hệ thống module bội số – "multiple modular method" (chữ dùng của Sol Lewitt, "Paragraphs on conceptual art") [ tức phương pháp dùng một đơn vị gốc rồi tạo ra nhiều biến thể từ đơn vị gốc đó]

Đặc điểm của hệ thống modular bội số này là vô số các biến thể luôn được bắt đầu từ một đơn vị gốc, chính từ những đơn vị gốc đầu tiên ấy mà các biến thể được hình thành, bằng cách lũy thừa tiến những đơn vị gốc cùng với những phương án thay đổi xuyên suốt của chính đơn vị gốc ấy.

Tuy nhiên, để thỏa mãn việc những biến thể phải có một vẻ trôi chẩy và toàn bộ tác phẩm phải được cấu trúc cùng một ngữ pháp trong sáng (điều mà Sol Lewitt coi trọng và rất nhiều lần lưu ý trong bài viết của mình), những đơn vị gốc được lựa chọn để lũy thừa phải là những đơn vị có tính đơn giản, dễ đọc về mặt thị giác (với Trần Dần là đơn giản và dễ hiểu về mặt nghĩa tự vị của từ hạt nhân mà ông chọn), nghệ sỹ phải tránh (dù là vô tình hay chủ ý) tạo nên sự hấp dẫn thị giác - của đơn vị gốc (với Trần Dần là việc tránh những chữ, câu hạt nhân đa nghĩa, đa thanh rắc rối) - tức điều sẽ làm người xem lạc khỏi mục đích chính của tác phẩm là: sự biến thể - chứ không phải là cái biến thể, là hành trình chứ không phải vẻ xa hoa của những trạm dừng [ "Khi sử dụng phương pháp dùng một đơn vị gốc rồi tạo ra nhiều biến thể từ đơn vị gốc đó (a multiple modular method), nghệ sỹ sẽ luôn chọn [ cho đơn vị gốc ấy-ND ] một hình thức đơn giản và sẵn tiện. Tự thân hình thức của đơn vị gốc không có tầm quan trọng bao nhiêu, bởi nhiệm vụ chính của nó chỉ là việc trở nên ngữ pháp chung cho toàn thể tác phẩm. Thật ra, sẽ là tốt nhất nếu đơn vị gốc này không tạo ra sự thu hút [ về mặt thị giác-ND] vì qua đó nó sẽ dễ dàng hơn trong việc hài hòa vào tác phẩm- toàn thể. Việc sử dụng các hình thức gốc có tính phức tạp sẽ phá vỡ đi tính thống nhất của tác phẩm-toàn thể. Vì lẽ đó, khi sử dụng lặp đi lặp lại một hình thức gốc giản đơn ta sẽ giới hạn lại được trường của tác phẩm cũng như sẽ tập trung được cường độ cho toàn bộ tập hợp được sắp xếp chung. Tính toàn thể của tập hợp được sắp xếp này mới là mục đích, còn hình thức [của các bộ phận, các đơn vị cùng nhau tạo ra tính toàn thể này-ND] chỉ là công cụ mà thôi"-Sol Lewitt, Paragraphs on Conceptual Art]

Những hạt nhân trong những bài thơ của Trần Dần ở tập Mùa sạch hoàn toàn thỏa mãn một cách cao nhất những yêu cầu về đơn vị gốc đó.



Có thể có một so sánh rất thú vị tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần với tác phẩm "Những hình lập phương mở không hoàn tất” ("Incomplete open cubes") của Sol Lewitt. Cả hai tác phẩm đều được bắt đầu từ một đơn vị rời (lõi, hạt nhân) và trọn vẹn của cả hai tác phẩm đều là một bội số của những biến thể từ đơn vị ấy. Ở Trần Dần, lõi tác phẩm là những chữ hạt nhân cùng với các phương án lắp ghép danh từ, còn với Lewitt, là một hình lập phương mở đang trong hành trình tự hoàn tất.

Cả hai tác phẩm đều thể hiện một sự nhấn chìm toàn bộ mọi ảo giác về cái gọi là cảm xúc của người xem (bao gồm chính nghệ sỹ) trong một tiến trình nhẫn nại của hành động để nhằm đạt tới những thỏa mãn về trí tuệ ,vượt thoát khỏi lục căn để nhận chân sự thật. Cả hai tác phẩm đều tỏ ra một sựï lãnh đạm có chủ ý với thế giới bên ngoài (với Trần Dần là một sự lãnh đạm chủ ý khi đề cập tới thế giới bên ngoài) để quay ngược vào bên trong, đóng lục căn lại để tìm tới sự tĩnh lặng tuyệt đối của giác ngộ. Tính tự trị của cả hai tác phẩm được đảm bảo trọn vẹn thông qua việc hoàn toàn không có sự can thiệp của nghệ sỹ vào trong quá trình tạo nên tác phẩm. Với cả hai tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần và “những hình lập phương mở không hoàn tất” của Sol Lewitt, cả hai nghệ sỹ đã chỉ giữ vai trò người cung cấp ý tưởng – còn bản thân hai tác phẩm đều tự tạo nên mình.



Đơn vị gốc của tác phẩm “những hình lập phương mở không hoàn tất” của Sol Lewitt là một hình vuông mở (thiếu cạnh) trong hành trình lưỡng lự tự tìm cách định vị một góc mở cuối cùng. Đơn vị gốc của tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần là một từ và những biến thể của đơn vị gốc ấy là hành trình khăng khăng của chính từ đó trong mối tương quan với vô số từ khác để tạo ra vô số của những phương án ngữ nghĩa kỳ lạ.

Theo thiển ý của người viết bài này - tập thơ Mùa sạch của Trần Dần đã làm một cuộc vượt vũ môn ngoạn mục thoát khỏi chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại và cả những cách tân lặt vặt của nghệ thuật Việt Nam để trở nên một tác phẩm nghệ thuật tiên phong, hoàn hảo và trí tuệ đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam, thậm chí, tính cả tới thời điểm của những năm tháng này – những năm tháng bắt đầu của thế kỷ 21.



(2003)

-----


2- TRẦN DẦN VÀ CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI



Vào năm 1980, Sherrie Levine đã chụp lại bức ảnh của Alfred Stieglitz’s chụp tác phẩm Fountain của Duchamp. Bằng việc chụp lại một tác phẩm chụp một tác phẩm khác này – Sherrie Levine quả thực đã tấn công vào ba niềm tin lớn của chủ nghĩa hiện đại (tạm dịch) là tính nguyên gốc (originality), tính chính danh (authenticity) và tính độc lập (autonomy). Bằng việc công khai đạo văn tác phẩm của người khác (mà thậm chí tác phẩm ấy cũng lại copy lại một tác phẩm của người khác - mà tác phẩm của người khác ấy lại là một tác phẩm được tạo theo kiểu sử dụng lại những vật có sẵn (ready - made) chứ không phải được ra theo kiểu Chúa tạo ra loài người từ đất sét như niềm tin mà mọi nghệ sỹ hiện đại vác theo thậm chí xuống tận mồ - như ảo tưởng củaVan Gogh về chính mình là chúa chẳng hạn) - Sherrie Levine quả thực đã trưng ra một trong những dấu hiệu lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) - đó là dấu hiệu của sự đổ vỡ niềm tin vào vị chúa ba ngôi Authenticity – Autonomy – Originality.

Trở lại với tập thơ Mùa Sạch của Trần Dần – một tập thơ được viết vào những năm 1964[1] chúng tôi nhận thấy hình thức xây dựng nên cả một tập thơ cũng như hình thức xây dựng nên mỗi bài thơ hoàn toàn mang những thông điệp của chủ nghĩa hậu hiện đại cũng bởi dấu hiệu của sự đổ vỡ niềm tin vào vị chúa ba ngôi nói trên trong cấu trúc và phương pháp tạo nên tác phẩm.

Chúng tôi đã có bài viết về tác phẩm Mùa Sạch từ góc nhìn của nghệ thuật vị niệm và trong bài viết đó đã đưa ra nhận đinh về tập thơ như là một hành trình (process), một khái niệm (concept) chứ không phải một sản phẩm (product), nay xin không nói về chủ đề đó nữa mà xin gợi ra một ý nhỏ của việc xét cấu trúc bài thơ như một cấu trúc của một sự copy lẫn nhau của các cấu trúc gốc – một phương pháp khác hẳn với các nghệ sỹ khác đương thời hay sau này vẫn dùng để tạo nên tác phẩm như một sản phẩm độc lập, chính danh và nguyên gốc của mình thông qua cách xử lý với những bất ngờ, khiếu thẩm mỹ hay đòn bẩy nhân quả, v.v...

Mỗi cấu trúc đoạn thơ của Trần Dần trong bài thơ này chính là một sự copy của cấu trúc trước đó. Trong cấu trúc đó luôn có những thành tố không thay đổi và một thành tố thay đổi – Nhưng thậm chí cái thành tố thay đổi này cũng cũng lại tạo cảm giác không thay đổi theo một chiều khác – chiều của sự liên vần giữa chúng.

Xin trích một đoạn trong bài thơ và xin tô đậm phần không đổi, phần module không đổi sẽ được copy lại suốt dọc bài thơ:

Tìm em

I

Anh vẫn tìm em qua thành phố sạch

Qua tinh mơ xe cộ sạch

Qua chiều sương tỏa lạnh sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua khu nhà nữ sạch

Qua ty văn hoá sạch

Qua trường học sạch

Qua nhà thủy tạ sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua cửa hàng mậu dịch sạch

Qua công ty du lịch sạch

Qua tầm tan trường kịch sạch

Qua đồn phiên dịch sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua phòng triển lãm sạch

Qua khu sứ quán sạch

Qua sớm mai trường Đảng sạch

Qua Bộ Công nghiệp nặng sạch

Qua nha khí tượng sạch

Qua ca ba phân xưởng sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua thư viện sạch

Qua bưu điện sạch

Qua ngược xuôi đuờng tàu điện sạch

Qua đêm trình diễn sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua nhà in sạch

Qua khu Kim Liên sạch

Qua đường Thanh Niên sạch

Qua sân truyền sạch

Qua hồ sen sạch

Qua nhà thuyền sạch

Qua nhà đèn sạch

Qua nhà kèn sạch

Qua nhà diêm sạch

Qua nhà thông tin sạch

Qua xưởng phim sạch

Qua xưởng dệt kim sạch

Qua đường nhà Tiền sạch

Qua trường nữ diễn viên sạch

Qua đầu giêng năm sạch

Tìm em



Qua dẫn chứng trên, ta thấy rằng những thành tố không đổi và được copy suốt toàn bộ bài thơ là:

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua ~ sạch

Qua ~ sạch

Tìm em…


[(~) – phần thay đổi]

Thành tố này chính là cấu trúc chủ yều của bài thơ.

Sau đây, tôi xin lại tô đậm phần thay đổi trong suốt đoạn thơ


Tìm em

I
Anh vẫn tìm em qua thành phố sạch

Qua tinh mơ xe cộ sạch

Qua chiều sương tỏa lạnh sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua khu nhà nữ sạch

Qua ty văn hoá sạch

Qua trường học sạch

Qua nhà thủy tạ sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua cửa hàng mậu dịch sạch

Qua công ty du lịch sạch

Qua tầm tan trường kịch sạch

Qua đồn phiên dịch sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua phòng triển lãm sạch

Qua khu sứ quán sạch

Qua sớm mai trường Đảng sạch

Qua Bộ Công nghiệp nặng sạch

Qua nha khí tượng sạch

Qua ca ba phân xưởng sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua thư viện sạch

Qua bưu điện sạch

Qua ngược xuôi đường tàu điện sạch

Qua đêm trình diễn sạch

Tìm em

Anh vẫn tìm em qua nhà in sạch

Qua khu Kim Liên sạch

Qua đường Thanh Niên sạch

Qua sân truyền sạch

Qua hồ sen sạch

Qua nhà thuyền sạch

Qua nhà đèn sạch

Qua nhà kèn sạch

Qua nhà diêm sạch

Qua nhà thông tin sạch

Qua xưởng phim sạch

Qua xưởng dệt kim sạch

Qua đường nhà Tiền sạch

Qua trường nữ diễn viên sạch

Qua đầu giêng năm sạch

Tìm em

Cấu trúc ở giữa chữ “qua” và chữ “sạch” luôn được luân phiên thay đổi. Tuy nhiên chính phần thay đổi này lại được liên kết với nhau bằng sự liên vần và như thế, sự thay đổi của nó cũng có thể chỉ gọi là tương đối. Nếu chúng ta chú ý vào phần thay đổi suốt dọc bài thơ, chúng ta sẽ thấy mối liên hệ rất rõ nhận biết giữa sự liên vần của các phần thay đổi đó và chính sự liên kết giữa vần cũng tạo cảm giác về một chiều copy khác

…Nhà thuyền

nhà kèn

Nhà đèn

Nhà diêm

Nhà thông tin

Xưởng phim

Xưởng dệt kim

Nhà tiên

Nữ diễn viên

Đầu giêng

Tìm em

Và như thế – một cảm giác về sự không thay đổi, sự copy – thậm chí vẫn tồn tại ngay cả ở những phần thay đổi trong cấu trúc đoạn thơ trên của Trần Dần.

Cả bài thơ cũng như tập thơ là một sự cố tình và công khai copy lẫn nhau, copy nhiều chiều giữa các cấu trúc và đơn vị. Điều này khác hẳn với các nhà thơ khác cùng thời hay sau này vẫn viết những bài thơ theo kiểu tìm sự độc đáo trong tứ, trong cách gieo vần, trong v.v … và v.v…

_________________________

[1] vì có một số ý kiến cho rằng Trần Dần copy sự cách tân của người khác – thật tâm – tôi không coi việc này là tội lỗi gì hết – nhưng cũng xin lưu ý thêm một sự thật là - cả 2 bài viết quan trọng về conceptual art cũng như tác phẩm incomplet open cubes của Sol Lewitt được tôi dẫn chứng trong bài viết trước đều được sáng tác vào đầu thập kỷ 70 – trong khi tập thơ Mùa Sạch của Trần Dần làm vào năm 64




Như Huy 2003

1 nhận xét:

  1. Có khi, Trần Dần cố tình ẩn vào Vị niệm để tránh kiểm duyệt ? :-D

    Trả lờiXóa