Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

( Bài cũ) Vài ý rời sau khi xem bộ phim " Những đứa trẻ thiên đường"

Nhân dịp bạn Nguyễn Đức Tú viết về bộ phim "Nếu em là người tình" trên facebook của bạn í. Mình nhớ ra là mình cũng từng viết về phim. Đăng lại cho...vui, dù có lẽ đây không phải là review :-)

------

Hôm nọ ngồi dịch bản thuyết minh cho bộ phim “ The Children of Heaven”, buộc phải xem phim theo kiểu giật cục, không ngờ qua đó nhận ra nhiều chi tiết thú vị^^

1- âm nhạc xuất hiện trong phim này rất ít, chỉ khoảng 4, hay 5 lần. Có vẻ như đạo diễn kiên quyết duy trì cho phim một mầu sắc hiện thực, với toàn bộ các âm thanh, tiếng động hoàn toàn tự nhiên và của đời sống

2- Ở đoạn cậu bé và em gái Zahra tìm đến nhà cô bé Roya, người mà Zahra thấy là đang đi đôi giày của mình. Trong không gian đó chợt nghe thấy tiếng máy bay. Tại sao lại có tiếng máy bay ở đây? Nói khác đi là tại sao đạo diễn lại chọn để tiếng máy bay vào đây. Thật ra tiếng máy bay cũng chỉ là một trong muôn vàn âm thanh của đời sống xung quanh, tuy nhiên, khi khắp cả không gian- tiếng động của bộ phim không hề có gì liên quan đến máy bay ( thậm chí không hề thấy một chiếc xe hơi hay xe gắn máy trong bộ phim) , thì một tiếng máy bay xuất hiện ở đó là rất lạ. Liệu có phải rằng tiếng máy bay xuất hiện ở đó là để nhấn vào sự xa cách của cái thế giới nghèo nàn nơi các cô, cậu bé đó đang sống với một thế giới xa hơn ở mãi ngoài kia? Và như vậy, ở đây, ngoài giới tuyến giữa hai cô bé được tạo nên bởi đôi giày nhỏ nhoi, chính tiếng máy bay đã nhắc nhở chúng ta rằng, còn có một giới tuyến khác nữa, mà ở đó, cả hai cô bé, cả Ali, cả những sự hạnh phúc hay bất hạnh xoay quanh một đôi giày đều buộc phải ở một bên.

3- Cảnh cậu bé Ali đối thoại với một đứa bé trong khu biệt thự thông qua một cái máy phát thanh gắn ở ngoài cổng biệt thự. Toàn bộ thoại và thông điệp của hai đứa bé chỉ là một cuộc trao đổi bình thường, hỏi tên nhau, rủ nhau vào chơi. Song khi bị trung gian qua cái loa làm nghẹt tiếng lại – khoảng cách giữa hai thế giới chợt hiện ra rất rõ rệt. Thế giới vô hình và máy móc kiểu lâu đài của Kafka, và thế giới nghèo nàn, song đầy ắp hiện thực vui buồn của những cô, cậu bé như Zahra, Ali hay cả Roya.



4- Đặc trưng của bộ phim này chính là việc không hề tồn tại những “ tragic fault” [sai lầm bi đát] – theo đúng chuẩn của bi kịch Hy Lạp– tức các sai lầm mà khi mắc phải ( do không biết) , người ta không thể cứu chữa được. Tất cả các sai lầm có thể dẫn tới bi kịch trong bộ phim này đều được chặn lại. Cảnh cô bé rơi chiếc giày xuống cống và đuổi theo – thật ra có thể phát triển rất khác, và qua đó, làm bộ phim trở nên hoàn toàn khác. Song vào lúc cô bé đã sụp xuống ngồi khóc rồi, thì bỗng có ngay một ông Bụt ( ông chủ cửa hàng) hiện ra để giúp cô bé tìm lại chiếc giày. Cảnh cậu bé bị đuổi học vì đến muộn, cũng rất có thể được phát triển hoàn toàn khác, song rốt cuộc cũng lại đã có một thầy giáo xuất hiện, xin cho cậu được vào lớp. Cho tới cảnh chót, khi cậu bé chạy thi chỉ mong được giải ba- để được phần thưởng là đôi giày tặng cho cô em gái - nhưng lại được/bị giải nhất- là một phần thưởng khác, tuy lớn hơn ( hai tuần cắm trại và một bộ quần áo thể thao) song không có đôi giày mới kèm theo. Những tưởng cảnh này sẽ dẫn đến một bi kịch rất điển hình, khi tình huống éo le của cậu bé đã đạt tới độ bi đát, và không thể cứu vãn, thế nhưng đến phút cuối, lại có cảnh ông bố của Ali và Zahra đi mua đồ, mà phía sau xe của ông, chúng ta thấy thấp thoáng hai đôi giày mới cho các con [ ông bố cũng lại xuất hiện như thể một ông Bụt].

5- Tuy thế, điều này không hề làm chúng ta nhàm chán. Dường như chúng ta, khi đã quá quen với các cách tiếp cận kiểu Holywood, đẩy cảm xúc của con người tới mức độ cực đoan nhất, không thể đoán trước được bất cứ điều gì – thì khi xem những bộ phim kiểu này, lại dần dần nhận ra được một nhu cầu mà bấy lâu nay chúng ta quên lãng, nhu cầu với cái thiện,với sự yêu thương, với sự công bằng. Thay vì buông thả bản thân cho sensation, cho thế giới của sự phản tư, của sự phức tạp, giờ đây chúng ta tìm lại được trạng thái nguyên sơ nhất của chúng ta, tức trạng thái của một đứa bé nghe bà, hay mẹ kể chuyện cổ tích mà ở đó, người tốt bao giờ cũng thắng kẻ xấu, và cái ác bao giờ cũng chịu thua cái thiện. Có lẽ đây chính là một yếu tố làm cho bộ phim thành công trong thế giới phương Tây – khi nó làm cho họ chợt nhận ra một thế giới khác, không giống họ, tuy nhiên, cũng chính là thế giới của một dạng đạo đức học mà họ từng có [chính Kant từng viết: " Từ bỏ lý tính để nhường chỗ cho lòng tin"], song nay họ đã quên lãng, hoặc coi thường [bởi triết học/logic học hay tâm phân học...]

6- Điều này làm tôi nhớ về một lần nói chuyện với anh Nguyễn Hữu Hiệu, dịch giả của cuốn "Con đường sáng tạo", và là con nuôi của Henry Miller. Theo như anh kể, chính Henry Miller, tác giả của "Thời của những kẻ giết người", người từng coi mình là hậu thân của Rimbaud, người từng viết rằng: “ Một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, nếu đạt tới một cái gì, phục vụ chúng ta hồi tưởng, hay có thể nói khiến chúng ta mộng tưởng vê cái không thể đụng chạm tới được. Nghĩa là Vũ Trụ vậy. Nó không thể được hiểu; nó chỉ có thể được chấp nhận hay bị khước từ”. Một con người như vậy, mà đến cuối đời, vào giai đoạn hấp hối, sách gối đầu giường lại chính là cuốn “ Những tâm hồn cao thượng” của Edmondo De Amicis


Henry Miller

7- Cảnh đầu bộ phim là cảnh cận đôi bàn tay của ông thợ giày đang khâu đôi giày cho Zahra. Cảnh kết phim ( cũng là một cận cảnh) là cảnh đôi bàn chân trần của Ali, sau khi thi cuộc chạy việt dã, giờ đây bị chai rộp, sưng phồng và ửng đó, được ngâm xuống bồn nước trước nhà. Ở dưới bồn nước đó có một đàn cá vàng và các chú cá đã bu lại các viết thương của Ali để đớp vào đó. Theo tôi, ngôn ngữ điện ảnh ở đây đã đạt tới độ đầy tràn chất thi ca. Chằng phải chính các chú cá vàng, như một đám hoa từ trời, một đám thiên sứ từ trời, đang “khâu vá” những vết thương cho tâm hồn đang tan nát của cậu bé khi ( cậu tưởng rằng) cậu đã không thực hiện được lời hứa giúp em có đôi giày mới. Nếu như cảnh đầu phim là sự khâu vá của đời thực, của một điều gì đã hỏng, một điều gì không còn ở tình trạng, theo Heidegger –của “cái để sử dụng” [ ready-to-hand] mà rơi vào tình trạng của “cái –có-đó” [present –at-hand], nói cách khác, một hình ảnh có chút gì đó khô khan của đời thường và có tính logic của triết học, thì cảnh kết phim, lại là một hình ảnh khâu vá của Ki-tô, hình ảnh của tình yêu-thương, của sự hàn gắn, của phần thưởng cho nỗ lực yêu thương của con người. Và thay vì âm thanh đời thường trong cảnh khâu vá đôi giày ở đầu phim, hình ảnh đàn cá vàng/các thiên sứ của trời “đang khâu vá” những vết thương đến từ cuộc đời nặng nhọc và vất vả của cậu bé Ali đã được kèm theo với phần âm nhạc đẹp và trọn vẹn nhất của bộ phim.





8- Một lưu ý nữa về diễn viên. Theo tôi một trong những thành công của bộ phim này nằm ở việc chọn diễn viên. Cả cô bé Zahra và cậu bé Ali, về mặt cơ thể, đều có những chi tiết mà có thể nói, chưa cần diễn đã thuyết phục toàn bộ người xem. Với cậu bé Ali thì là đôi mắt. Một đôi mắt to và sâu thẳm ( y hệt các đôi mắt mà Picasso đã vẽ trong thời kỳ lam của ông), chan chứa nỗi buồn, tuy nhiên lại rạng rỡ ngay lập tức khi cậu bé cười. Cô bé Zahra cũng có khuôn mặt xinh xắn. Tuy nhiên điểm ấn tượng của cô bé này nằm ở việc dáng người nhỏ nhắn của cô bé, cộng thêm trang phục cho các bé gái Hồi Giáo đã cực kỳ tương phản với đôi giầy to bè mà cô bé phải đi chung với anh, sau khi người anh Ali làm mất đôi giày của cô. Chính hình ảnh này dường như đã góp phần làm tim người xem như thắt lại mỗi khi thấy cô lầm lũi và lủi thủi bước trên đường tới trường – bên cạnh những đôi giầy rất đẹp và đầy mầu sắc của các bạn gái khác.






Một chân dung của Picasso vẽ trong thời kỳ lam

9- Điểm cuối cùng có lẽ cũng cần lưu ý ở đây, chính là việc sự thành công của các bộ phim Iran trên trường quốc tế đã “rất tình cờ” làm sao, trùng hợp với thời điểm của cuộc cách mạng Hồi Giáo ở Iran. Ở điểm này – có lẽ sẽ phải chấm điểm rất cao cho các nhà phát hành phim phương Tây ☺ [ Hãy nhớ lại sự thành công vượt bậc của nghệ thuật đương đại Trung Hoa trên trường quốc tế sau sự kiện Thiên An Môn. Về mặt thực tế, từ những năm 70-80 các nghệ sỹ Trung Hoa đã có những thử nghiệm rất đáng chú ý về nghệ thuật đương đại, một trong những triển lãm vào thời kỳ ấy đã có một nghệ sỹ dùng súng bắn và bị cảnh sát bắt. Tuy nhiên, chỉ tới sau Sự kiện Thiên An Môn, mới là lúc nghệ thuật đương đại Trung Hoa lên tới đỉnh đểm thành công trong thị trường phương Tây. Thậm chí Richard Vine, biên tập của tờ Art In America, còn viết một cuốn sách có tên là: "New China, New Art"-Tên sách nghe chẳng khác gì một lời quảng cáo sản phẩm ^^]


Note: Các bạn, những ai chưa xem, có thể tìm xem bộ phim này trên youtube. tên phim tiếng Anh là: The children of Heaven


N.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét