Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Thêm hai cách đọc bài thơ/kệ " Cáo Tật Thị Chúng" của Mãn Giác Thiền Sư

CÁO TẬT THỊ CHÚNG [1]

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

----

1 – Bài thơ "Cáo tật thị chúng"

Dưới góc độ là một bài thơ, có thể nói sáu câu thơ trong bài "Cáo tật thị chúng" trên đây ngay lập tức đã cung cấp cho người đọc cảm giác về tính chất nhất tâm, nhất khí, thông qua sự trôi chẩy của vần điệu, cũng như sự vững chãi đăng đối của khung vòm chung

Ta thấy, hai câu đầu của bài thơ:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
(Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười)


đã chính là một cặp đối nhau hoàn hảo cả về nội dung (ý nghĩa của các cặp chữ đối) lẫn hình thức (số lượng và vị trí của các cặp chữ đối). Có thể ví hai câu thơ này như hai nửa vòng tròn có bán kính bằng nhau. Và rồi, khi được xếp kề sát bên nhau, hai nửa vòng tròn ấy – bởi tính chất tương tác và bổ nghĩa trực tiếp cả về vị trí, số lượng cũng như nội dung của các cặp chữ chung chức năng được đặt đứng xây mặt lại nhau – dường như đã tự động dịch chuyển khép đóng lại, để trở nên một vòng tròn hoàn hảo duy nhất



Hai câu tiếp theo:

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi)


Ở hai câu này, sự đăng đối về cả hai mặt nội dung và hình thức cũng chặt chẽ như trường hợp hai câu thơ trước, và vì thế, chúng cũng lại sẽ tiếp tục - y như trường hợp của hai câu thơ trước - tự xoay ghép vào với nhau để tạo nên thêm một vòng tròn hoàn hảo nữa.



Điểm lý thú là cả hai vòng tròn hoàn hảo (được ghép bằng bốn câu thơ) trên đây đều mang chứa trong lòng chúng những thành tố nghĩa chữ chỉ sự di chuyển: khứ, đáo, quá, lai (ruổi, tới, đi, đến). Chính những thành tố chỉ sự di chuyển này, rốt cục, đã trở nên những động lực thúc đẩy và làm cho hai vòng tròn, hai bánh xe đồng bán kính và đối xứng, bắt đầu xoay, tạo nên một đôi chuyển động tuần hoàn đồng hướng.



Đôi vòng chuyển động tuần hoàn đồng hướng này, bằng lực ly tâm của chính chúng, ngay tiếp đó, đã tạo nên một vòng chuyển động tuần hoàn rộng hơn.



Và rồi, câu thơ thứ năm trong bài thơ:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết)

đã xuất hiện đúng lúc như một gạch nối cần thiết mà một đầu được mắc vào vòng chuyển động của đôi vòng tuần hoàn vĩnh cửu bán kính bằng nhau kia, còn một đầu lại được mắc nhuần nhị vào một tình huống mới, khi mà, ở ngay chính câu kết của bài thơ (câu thứ sáu tiếp sau), một hình ảnh mới đã bất ngờ xuất hiện:

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đêm qua sân trước một cành mai)

Về mặt nội dung, hình ảnh cành mai bé nhỏ (nhất chi mai) bất ngờ xuất hiện trong câu cuối của bài thơ này chính là một thành tố mới, giúp mở ra cho bài thơ cả một chiều kích mới. Cành hoa ấy, ngay lúc xuất hiện, đã mang dáng vẻ của một ngọn lửa mà, từ sau khi loé cháy lần đầu tiên, đã mãi bập bùng không nguôi suốt gần mười thế kỷ, xuyên không gian và thời gian, để mang tới cho lớp lớp những người đọc chân lý về sự thanh xuân vĩnh cửu của tính giác, cái chân lý của:

Bồ đề bản vô thọ
Xuân đáo, hoa khai[2]

Nhìn từ góc độ này, và có lẽ cũng cần thêm đôi chút tưởng tượng nữa, ta đã có thể hình dung câu thơ thứ năm của bài thơ:

Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận

chính là một sợi dây rọi dẻo chắc, mà một đầu được nối vào vòng xoay của hai bánh xe đang nhịp nhàng luân chuyển, trong khi đầu kia được nối vào với câu thơ kết - mà do mang theo sự rung động không nguôi của hình ảnh cành mai "tính giác", cho nên cũng đã trở thành (hoặc mang tính chất của) một vồ chuông mãi mãi đung đưa theo chiều từ trong ra ngoài (trái với nhịp chuyển động xoay ngang của hai bánh xe đăng đối mang theo bốn khổ thơ đầu) để thúc gõ vào "trái chuông tâm trí" của những người đọc (thậm chí là những người đọc của ngàn năm sau), gây nên cho họ những cú giật thót mình.

Và sau những cú giật thót mình ấy, những người đọc, chí ít, có lẽ cũng đã có thể mang máng nhớ ra được cái hữu hạn đến nực cười của cuộc đời họ.

Sau đây, xin được dựng lại hình ảnh bài thơ theo góc nhìn của đoạn diễn giải trên:




2 – Bài kệ "Cáo tật thị chúng"

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc bài thơ " Cáo tật thị chúng" này từ một góc độ khác – góc độ diễn ngôn thiền - tức là góc độ của một bài kệ (từ đây, xin gọi bài thơ " Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư trở lại là một bài kệ) theo nghĩa: coi các câu trong bài như thể những dấu vết của ánh chớp huệ giác mà thiền sư để lại cho chúng ta trong giây phút ngài đắc ngộ và cảm thấu vạn vật, thì rõ ràng là sẽ có một cách diễn giải khác về các khổ kệ ấy.

Dưới cách nhìn mới, xin được chia bài kệ này ra làm ba phần mà mỗi phần là một gói tâm trạng và không gian khác biệt, qua đó, hiển lộ trọn vẹn ba trạng thái tâm trí của thiền sư- khi ngài quán chiếu vào thế giới.

a/ Phần thứ nhất:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
(Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười)


Ta thấy, ở đây, cái hình ảnh khách quan và chân lý hiển nhiên đến từ ngoại giới:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai

đã hiện lên thông qua con mắt nhìn từ trong ra ngoài. Con mắt của chủ thể (có lẽ có đôi chút thờ ơ) "NHÌN" vào đối vật, và rồi, một cách khách quan, phát biểu lên cái hiện tượng logic bề ngoài của đối vật để chứng minh cho " SỰ BIẾT” (bằng kinh nghiệm cũ) của chủ thể.[3]

b/ Phần thứ hai:

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi)


Rõ ràng là ở giai đoạn kế tiếp này, con mắt của chủ thể, sau khi nhìn vào ngoại giới đã quay (hay nhắm) lại để soi chiếu vào chính nội tâm mình. Và chính từ góc nhìn đó, mà cả hai chiều kích không gian: "Sự trục nhãn tiền quá", và thời gian: "Lão tòng đầu thượng lai" đã được "THẤY RA". Ở đây, "CÁI NHÌN", sau khi quay ngược vào trong, đã chuyển thành sự "THẤY". Và cái hiện thực sau khi được"THẤY RA” này cũng đã không còn chỉ là một hiện thực nằm im "phẳng","tĩnh" và xa lạ ở bên ngoài chủ thể nữa, cũng như sự hiện diện của cái hiện thực được gọi ra ấy đã không đơn thuần chỉ để chứng minh cho bất kỳ chân lý "có sẵn" nào nữa. Trong khoảnh khắc này, hiện thực đã hoá thân ngoạn mục để trở thành một "nghiệm trải" - là kết quả của sự tương tác giữa tâm và cảnh.

c/ Phần cuối cùng:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)


Có thể nói giai đoạn này chính là giai đoạn tượng trưng cho cú quẫy "đáo bỉ ngạn" thanh thoát nhất, khi mà, sau hai cái nhìn ra ngoài và vào trong (hay, nhìn ra ngoài để nhìn vào trong), con mắt của chủ thể đã bỗng dưng hòa vào với cảnh vật, làm cho sự nhìn và cảnh vật tan rã vào nhau để trở thành một thể lưỡng lai bất khả chia tách - "N C H Ả Ì N N H " - là kết quả của cái nhìn, sau khi thoát xác, đã trở nên chính là cảnh vật –đã đạt tới cảnh vật.

Xin lưu ý đôi chút về sự xuất hiện trở lại của hình tượng đóa hoa trong phần cuối của bài kệ:

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đêm qua sân trước một nhành mai)

Sự xuất hiện lần thứ hai này của hình tượng hoa đã mang tới cho bài kệ một thông tin khác hẳn với cái thông tin mà trước đó, trong hai khổ kệ đầu, hình tượng hoa – qua sự xuất hiện lần đầu tiên của mình - từng đem tới:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
(Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười)


Trong trường hợp này, hình tượng hoa rõ ràng đã chỉ là một hình tượng hời hợt bề ngoài, là một cái cớ để qua đó, chứng minh cho một sự "BIẾT" cũ.

Trái lại, trong lần xuất hiện ở câu thơ cuối, tuy hoa vẫn (lại) là hoa, thế nhưng hoa cũng đã đã không chỉ còn là hoa chung chung nữa, mà giờ đây, hoa đã trở nên một cành hoa mai cụ thể (nhất chi mai), ở tại một nơi chốn cụ thể: đình tiền (sân trước), trong một thời gian cụ thể: tạc dạ (đêm qua).

Cành hoa này đã không còn là một cành hoa của cái "BIẾT", sự "NHÌN" hay thậm chí sự "THẤY" đơn thuần nữa. Nó đã hoá thân để nhập làm một với tâm trí thiền sư trong giờ phút ngài cảm ngộ vạn vật, để rồi trở nên một cành hoa của sự "NHẬN RA".

Và thế là, chỉ nhoáng trong một ánh vàng rực loé phắt lên nơi góc sân rêu cũ, cành hoa bé nhỏ của sự "NHẬN RA" ấy – vì đã trở nên nhất thể với (hoặc đã chính là) cái "chân tâm" (mà hẳn) được sinh ra trong giây phút tuyệt đối "vô sở trụ"[4] của trí tuệ thiền sư – nên đã có thể thu gọn vào trong lòng nhụy mong manh bé nhỏ của nó trọn cả cái chân lý tối thượng mang chứa sức mạnh "làm rúng động cả ngàn thế giới".[5]

Cái chân lý mà, năm xưa, vào lúc "NHẬN RA", Kasipa đã nhoẻn miệng cười.

*

Nhìn một cách nào đó, ba khổ thơ trong bài kệ "Cáo tật thị chúng" này hình như cũng chính là vết dấu những cú quẫy nhẩy thanh thoát nhất của con "chim hồng" huệ giác [mà Tuệ Sỹ từng diễn tả][6] lưu ghi lại trên dòng hiện sinh.

Những cú quẫy nhẩy thanh thoát từ "đất cạn, qua gò cao… tới nhành cây" vượt thoát khỏi khỏi chiếc lồng son của hư ngụy để rồi cuối cùng, tung mình…

"… bay trong thương khung, đem lông cánh làm đẹp cho bầu trời." [7]





17.02.2005

-------------------

Ghi chú về khái niệm "thi/kệ", và tiểu sử của Mãn Giác Thiền Sư:

Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tại mục "Thiền ngữ và hình ảnh thi ca", khi phân tích về mối tương quan giữa thiền ngữ và hình ảnh thi ca, Nguyễn Lang đã viết về tính chất thi/kệ bất phân như sau:

"…Thiền học …rất gần với thi ca ở chỗ chú trọng tới hình ảnh mà xem thường những khái niệm trừu tượng. Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa, cũng như đi vào suy luận siêu hình thì thiền không còn có thể là thiền. Cho nên, ta không lấy làm lạ khi thấy có những thiền sư dùng những câu thơ làm lời thiền ngữ…” (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập I, NXB Văn Học, Hà Nội, 1994, trang 205).

Gần đây, trong cuốn Văn học Phật giáo thời lý Trần: diện mạo và đặc điểm (NXB Đại Học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, 2003), bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền Sư cũng đã được tác giả cuốn sách là TS. Nguyễn Công Lý xếp vào thể loại "kệ được thi vị hóa", một thể loại "về mặt hình thức, thường được các tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn, với ngôn ngữ lung linh, đầy hình ảnh đẹp và gợi cảm, giàu chất thơ, nhưng đằng sau cái vỏ hình thức ngôn ngữ ấy, ẩn tàng triết lý nhiệm mầu của nhà Phật." (trang 126)

Mãn Giác Thiền Sư (1052–1096) tên thật là Lý Trường, người đất Lũng Triều, Hương An Cách, là con viên quan trung thư ngoại lang Lý Hoài Tố. Ông từng được vua Lý Nhân Tông yêu mến và ban hiệu: Hoài Tín. Vào khoảng niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thăng (1076–1084), Mãn Giác đã dâng biểu xin xuất gia, theo học thiền sư Quảng Trí. Sau này, Mãn Giác trở nên một nhân vật nổi tiếng trong thế hệ thứ 8 của dòng thiền Quan Bích, dòng thiền xuất phát từ vị sư Vô Ngôn Thông (? – 826) đời Đường, người cũng từng là học trò của Mã tổ Đạo Nhất (709–788).

Một chi tiết đáng lưu ý là năm sinh của Mãn Giác Thiền Sư cũng chính là năm tịch của Thiền sư Tuyết Đậu Minh Giác tại Trung Hoa, vị thiền sư từng được xem như có công phục hưng thiền phái Vân Môn. Thiền sư Tuyết đậu Minh Giác cũng từng được vua Tống ban hiệu cho là Minh Giác Đại sư và ông cũng chính là thầy của thiền sư Thảo Đường, người khai sáng thiền phái Thảo Đường tại Đại Việt. Thiền sư Thảo đường cũng từng được vua Lý Thánh Tông phong là quốc sư tại Đại Việt vào năm 1069 (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập I, NXB Văn Học, Hà Nội, 1994, trang 224).

_________________________

[1]Tựa bài thơ/kệ "Cáo tật thị chúng" do Lê Quý Đôn đặt.


Bản dịch của Ngô Tất Tố:


Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, một cành mai


(theo Thơ văn Lý Trần, tập I, NXB Khoa Học Xã Hội, 1977, trang 298)

[2]Câu thơ tại chùa Dư Hàng, Hà Nội.

[3]Trong bài diễn văn "Tâm phân học và Thiền" đọc tại hội thảo về Thiền và Tâm phân học vào thượng tuần tháng Tám năm 1957 tại Cuernavaca, Mexico (Thiền và tâm phân học, bản dịch Như Hạnh, NXB Kinh Thi 1973; NXB Xuân Thu tái bản tại California. tháng 11 năm 1990), nhà tâm phân học nổi tiếng Erich Fromm đã phân tích rất kỹ về tình huống khi "kẻ nhìn áp đặt bản thân hình ảnh tư tưởng của hắn vào sự vật, để rồi "NHÌN" sự vật ấy trong ánh sáng của những hình ảnh, ảo tưởng và kinh nghiệm già nua của tư tưởng hắn." Erich Fromm cũng đã đưa ra một thí dụ về một kẻ nhìn vào quả bóng lăn trên sàn. Ông viết:
 "… khi đó, kẻ nhìn này tưởng rằng hắn đang thấy được quả bóng lăn thực sự, thế nhưng, trái lại, thật ra,vào lúc kẻ nhìn ấy, sau khi nhìn và thốt lên rằng "quả bóng đang lăn" thì hắn đã chỉ xác nhận vài điều logic:
 1/ hắn biết rằng cái đối tượng tròn tròn kia là một quả bóng
 2/ hắn biết rằng những vật tròn, về mặt logic, luôn sẽ lăn, khi được đặt trên một bề mặt nhẵn và khi có một lực tác động vào
 Và Erich Fromm kết luận:
 "…như thế,vào lúc này, đôi mắt ( hay "SỰ NHÌN") của kẻ nhìn đã chỉ đơn thuần là một công cụ để chứng minh cho lý tính của hắn rằng hắn "BIẾT".

[4]"Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" (Kinh Kim Cương). Trích theo Thích Thanh Từ, Trần Thái tông: Khóa Hư Lục giảng giải, Thiền Viện Thường Chiếu ấn hành, 1996, trang 18.

[5]Lời kết của kinh Brahmajàlasutta: "Trong khi kinh này được truyền thuyết, một ngàn thế giới đều rúng động" (Imasmim ca pana veyyàkaranasmim bhannamane sahast loka – dhàtu akampitthàti). Trích theo Tuệ Sỹ, "Tánh Không luận là gì", Triết học về tánh không, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970, trang 17.

[6]Tuệ Sỹ, sđd, trang 8

[7]Như trên.





Như Huy 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét