Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Nhận/tri thức thực hành và trường hợp bài thơ “ Thơ mùa mưa” của nhà thơ Hoàng Lộc

Một trong những quan niệm về nhận/tri thức rất quan trọng của Aristotle, đó là quan niệm về nhận/tri thức thực hành. Đây là một quan niệm rất rộng, sâu và phức tạp. Tuy nhiên để tóm gọn lại (theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, và chỉ với mục đích cho bài viết này), thì với Aristotle, trái với dạng nhận/tri thức lý thuyết, là cái có thể chỉ bằng suy lý, bằng tự phản tư trừu tượng là có thể dẫn tới chân lý, nhận/tri thức thực hành là một đạng nhận/tri thức chỉ tới trong những trường hợp cụ thể, lụy văn cảnh và không thể có một mẫu sẵn bất kỳ nào cho nó.

Lấy thí dụ, nếu ta là thợ mộc giỏi, và ta có một người bạn cần làm một cái giường tân hôn. Anh bạn ta có thể chỉ cần viết cho ta một lá thư, trong đó mô tả chi tiết kỹ lưỡng điều anh cần. Sau đó, chỉ trong độ một tuần, không cần gặp anh ta, ta vẫn có thể vẽ xong mẫu cái giường đó để gửi cho người bạn, và cái giường đó vẫn sẽ thỏa mãn toàn bộ yêu cầu của anh bạn đó.

Tuy nhiên, giả dụ, nếu anh bạn ta khi đã có cái giường tân hôn rồi, song đúng ngày cưới – vị hôn thê của anh ta lại bỏ đi và nhất định không chịu ngủ cùng anh ta trên chiếc giường đó. Lần này anh ta lại yêu cầu ta trợ giúp. Chắc chắn lần này ta sẽ không thể chỉ viết một bức thư chỉ dẫn anh ta phải làm gì, làm gì, mà sẽ buộc phải tới gặp anh ta, lắng nghe, cố gắng hiểu tâm trạng, cố gắng đồng hóa bản thân mình với anh ta hết mức, thì sau đó may ra mới có thể cho anh ta một lời khuyên nào đó. Nói khác đi, chi khi nào chúng ta cảm thấy được rõ ràng cái hoàn cảnh ấy của bạn – ta mới có thể có lời khuyên cho bạn ta. Và cái lời khuyên ấy đã nằm trong khu vực của dạng nhận/tri thức thực hành.

Thực tế đã chứng minh cho chúng ta rằng, trong rất nhiều trường hợp, việc dùng nhận/tri thức lý thuyết hay nhận/tri thức thực hành để tiếp cận cùng một sự vật luôn đem lại hai kết quả rất khác nhau

Ở đây tôi muốn nói tới một trường hợp cụ thể, đó là trường hợp mà nhà văn Nguyễn Đình Bổn ( dường như đã rất có lý) khi gọi là đạo văn ( là ăn cắp). Trường hợp bài thơ “ Thơ mùa mưa” của tác giả Hoàng lộc, và sau này là bài “ Thơ ngày mưa” của Định Nguyễn. Xin các bạn xem link sau

http://my.opera.com/nguyendinhbon/blog/show.dml/2700612

Đọc cái link này – rõ ràng, có vẻ là không thể khác được, với những tri thức thuộc lý thuyết của chúng ta về cái gọi là đạo văn ( plagiarism), đây là một trường hợp vô cùng điển hình. Tất cả các cứ liệu đều chứng minh một cách không thể chối cãi: Định Nguyễn đã đạo văn nhà thơ Hoàng Lộc. Trái với cái gọi là Playgiarism- là môt cú pháp hâu hiện đại, theo Linda Hutcheon, một trong những đặc trưng của hành vi plagiarism (đạo văn) chính là việc kẻ đạo văn không muốn giữ cho tác phẩm đạo văn của mình giống hệt tác phẩm gốc, mà thay vào đó, anh/chị ta cố tình biến cải tác phẩm gốc, và qua hành vi đó, biến nó thành của mình để tránh bị phát hiện ( Tôi không nhớ nguyên văn, vì đọc đã lâu – song có thể tìm lại và ghi chú thích sau vì sách vẫn ở nhà – chỉ có điều ngay bây giờ thì khó tìm trong tủ sách quá. Tên cuốn sách đó là “ Theory of Parody của Linda Hutcheon). Ở đây, ta thấy bài thơ gốc của Hoàng Lộc, qua tay Định Nguyễn, cũng đã bị đổi , sửa một số chỗ, để chúng không còn thuần như bài thơ gốc nữa.

Tuy nhiên, liệu có thể có một cách đọc khác về cái gọi là hành vi đạo văn của Định Nguyễn không? Ở đây, tôi xin đưa ra một số ý kiến của bản thân – đến từ việc có đọc và tìm hiểu đôi chút về cuộc đời của Định Nguyễn ( đây là những gì tôi tình cờ đọc được trong một số báo do các bạn bè Định Nguyễn làm để tưởng nhớ ông – bài thơ “Thơ ngày mưa” mà vào lúc đọc, cho tới tận khi đọc được link bài của nhà văn Nguyễn Đình Bổn, tôi vẫn tưởng là của Định Nguyễn, cũng là bài thơ được đăng trong số tưởng niệm này)

Định Nguyễn là một biên tập viên của báo văn nghệ. Tuy nhiên, sau vụ báo văn nghệ đăng bài thơ “Vòng Trắng” của Phạm Tiến Duật, không chỉ Phạm Tiến Duật bị đánh, mà chính báo văn nghệ, trong đó, cụ thể là Định Nguyễn, biên tập viên đưa bài đó lên trang cũng bị đánh. Trước hết ông bị mất việc. Sau đó, họa vô đơn chí, chiếc xe đạp của ông cũng bị mất (mà vào hồi đó chúng ta biết chiếc xe đạp là một tài sản lơn đến thế nào). Hơn thế nữa, chuyện gia đình của ông cũng lủng củng. Vợ ông chia tay vào Nam. Định Nguyễn đã rơi vào một cuộc sống tận cùng đau khổ, với bạn bè thân thiết giờ đây chỉ là các chén rượu suông ( chắc là mua chịu) nơi các quán nhậu vỉa hè Hà Nội. Sau này, người ta tìm thấy ông chết một mình trong một căn nhà thuê.

Từ cứ liệu này, và thử tìm cách đồng hóa bản thân vào tâm trạng của Định Nguyễn một chút, liệu ta có thể đọc vụ đạo văn này theo một kịch bản khác chăng? Phải chăng, trong những cơn say của mình, bên bè bạn, Định Nguyễn đã tìm tới một bài thơ rất hay, mà ông cảm thấy đã chia sẻ được đến tận đáy lòng mình những nỗi đau đớn của một kẻ “ bốn mươi năm chút mộng cũ vơi đầy” , và lúc này thì vẫn “ một góc trời đứng khóc trước mưa bay”.

Càng hiểu về cuộc đời Định Nguyễn, tôi càng thấy cái bài thơ đó nó vận vào ông sát quá (ngay khi đọc xong bài thơ đó trong số báo tưởng niệm về cuộc đời Định Nguyễn tôi đã thuộc ngay lập tức, bởi cả bài thơ và cảnh đời đã trùng với nhau đến mức ám ảnh luôn vào đầu óc tôi. Có nghĩa là cả bài thơ và cuộc đời Định Nguyễn như tôi biết qua số báo đó đã lập tức trở thành một thể thống nhất cho đến mức [ với tôi] không thể có cái này mà không có cái kia, và cái này giúp làm nhớ đến cái kia, giúp nhớ được cái kia). Chính vì thế, tôi tin rằng trong những cơn đau khổ và say, và chìm đắm trong ý thức về sự mất mát cả cuộc đời thực của mình, Định Nguyễn đã gặp được bài thơ kia, đã thấy rằng bài thơ đó vận vào mình, như chia sẻ đến đáy với cuộc đời mình

“ Ơi cha già trên quê nghèo biển dâu/Như chiếc bóng run đêm dài bất hạnh/Như chiếc bóng thương thằng con xa vắng/Nhìn không qua mưa lớp lớp mù trời:



“ Lý rượu đầy không đủ cạn nỗi đau/Không đủ thắp cho lòng tôi hy vọng/Đường phố chiều đông cho lòng tôi lá rụng/Người yêu xưa chân đất có về luôn?/Kỷ niệm ngây thơ còn đủ vui buồn/Em có đến căn phòng tôi gió bão?/Em có hiểu cho lòng tôi nức nở?/Khi tình yêu bắt đầu ngày mưa…

Trong tình huống này, nhất là ở một thời kỳ mà thông tin Bắc Nam còn ở tình trạng của hai thế giới tách biệt, “ngày Bắc/đêm Nam”, nếu có lúc nào đó Định Nguyễn đã tự coi bài thơ đó chính là về đời mình, thậm chí, là bài thơ của mình, hẳn cũng không có gì ngạc nhiên. Và khi thấy nó đã là của mình, là về mình, thì việc có những câu từ trong đó bị chính nhịp sinh học của Định Nguyễn “biên tập “ đi sao cho trùng sát với tâm trạng, ký ức, và vốn từ vựng của bản thân là điều hoàn toàn có thể dễ dàng hình dung về mặt tâm lý học

Song tôi cũng tin rằng, nếu có coi bài thơ đó là về đời mình, là của mình, để khi đọc vang lên, ông cảm thấy như bản thân đang ứa lệ xót thương mình, một kẻ dường như vào lúc đó đang nhìn thấy cả cuộc đời THẬT đang trôi tuột qua kẽ tay như cát, khi đang thấy và trải việc cả sự nghiệp, tài sản, cả những gì yêu thương nhất đang khuất dạng không thể cứu vãn phía chân trời-., nếu có coi bài thơ đó là về đời mình, là của mình như thế, chắc chắn Định Nguyễn làm vậy không vì một chút danh hão. Theo suy luận của tôi, với một kẻ đã rơi xuống đến đáy của khổ đau, đã mất đi toàn bộ cuộc đời THỰC như Định Nguyễn, đã có cơ hôi hiểu đến tận cùng khía cạnh phù du hư ảo, có/không, còn/mất của cuộc sống, hẳn rất khó có thể tin việc kẻ đó vẫn còn thèm thuồng một cái danh ẢO và HÃO nào đó – tức cái tiếng của một kẻ làm thơ hay, hay chút nhuận bút còm cõi. Việc nếu có lúc nào đó trong vô thức, và rồi (thậm chí) cả trong ý thức, Định Nguyễn coi bài Thơ mùa mưa của Hoàng Lộc là về mình, và rồi, là của mình, theo tôi chỉ là trường hợp cực đoan nhất của việc kẻ đọc đồng hóa bản thân đến kiệt cùng với văn bản

Viết đến đây, tôi cũng chợt nhớ đến một câu chuyện được Phạm Duy kể lại trong hồi ký của ông. Đó là câu chuyện khi ông đến hát cho các cụ nông dân nghe. Khi hát xong, một bà lão nông dân đứng ra xin trả lễ cho nhạc sỹ bằng một bài dân ca. Hóa ra bài đó lại chính là bài “ Nhớ người ra đi” ( Ai có nghe, tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương về người mẹ già, chờ con lúc đêm khuya, người con đã ra đi vì nước…) của Phạm Duy. Phạm Duy kể, ngay lúc đó mắt ông đã nhòa lệ vì hạnh phúc bởi cảm thấy rằng chính bài hát của mình đã nhòa lẫn vào nhân dân. Nhân dân đã nghe tiếng lòng của họ trong bài hát đó, đã đồng hóa chính cuộc đời họ, thực tại của họvào bài hát đó, và rồi CẢM THẤY TỪ ĐÁY LÒNG rằng – đó là bài hát của chính họ

Nếu suy nghĩ/đọc câu chuyện của Định Nguyễn theo hướng này, tôi tin cũng sẽ rất có lý khi ta suy luận tiếp rằng, bài thơ Mùa mưa của Hoàng Lộc hẳn là một bài thơ ưa thích nhất của Định Nguyễn. Trong những cơn say, ông luôn đọc nó, hoặc thậm chí chép nó ra nếu bè bạn nào đó có thấy hay và xin.

Ở đây chúng ta cũng cần lưu ý một điểm quan trọng. Đó là việc Định Nguyễn không hề tự tay mình gửi đăng hay in bài thơ đó ở bất cứ đâu. Chỉ cho đến sau khi ông mất đã lâu, bè bạn mới làm một số báo tưởng niệm về ông, và có lẽ có người nào đó đã tìm lại bài thơ đó và đem đăng– trong một sự tin tưởng hoàn toàn rằng đó là bài thơ của Định Nguyễn (chắc có lẽ tâm trạng của người bạn này cũng giống tôi- khi thấy đời Định Nguyễn và bài thơ đó trùng nhau đến mức kinh hoàng)

...

Câu chuyện/cách đọc của tôi về việc Định Nguyễn “đạo văn” bài thơ “ Thơ mùa mưa” củaHoàng Lộc– được tựa vào chút tri thức ít ỏi về cuộc đời của Định Nguyễn là như thế

Cũng xin lưu ý là note này của tôi không phải nhằm để biện minh cho Định Nguyễn (dù có vẻ rằng thế) – tôi nghĩ bè bạn ông, những người hiểu rõ hơn về ông sẽ có authority và lý do để làm việc đó tốt hơn tôi.

Động cơ để viết bài này của tôi chỉ là – sao tôi nghe cái chữ “ ăn cắp” trong link của nhà văn Nguyễn Đình Bổn, nó nặng quá, và hình như ( có vẻ khá đúng về lý thuyết), song trong trường hợp một Định Nguyễn như tôi biết và đọc về ông – thì hơi ác thì phải. Một con người có một cuộc đời đau khổ như thế, như thể một cánh bèo trôi dạt trong cơn cuồng bão của số phận như thế, mà rồi đến khi nằm xuống trong vô danh, trong cô độc, vẫn lại còn bị mang cái tiếng là “kẻ cắp” như thế. Thì quả có chút gì đó chua xót.

Lý do khác để tôi viết note này cũng bởi niềm tin rằng - nếu nhà văn Nguyễn Đình Bổn có biết sơ qua về cuộc đời của Định Nguyễn ( ít ra là như tôi được biết), tôi tin rằng ông sẽ ( thậm chí kể cả không hề suy nghĩ khác về hành vi đạo văn) chọn một danh từ nào đó – riêng cho Định Nguyễn – nhẹ nhàng hơn- để khi tìm trên google, người ta không còn phải thấy từ khóa Định Nguyễn cạnh từ khóa ăn cắp ( Note: trường hợp Vũ Hoàng thì tôi không bàn ^^)


-----

Phụ lục 1:

bài thơ của nhà thơ Hoàng Lộc với tựa đề gốc: Thơ mùa mưa

gió buổi chiều thổi mỏi đời lênh đênh
qua phố lạ nghe lòng xưa đã ướt
ngó xuống bàn tay ngậm ngùi đôi mắt
ba mươi năm chút mộng cũ vơi đầy
một góc trời đứng khóc dưới mưa bay

khúc hát thương quê ai vừa cất giọng
ai có mẹ già một phương lận đận
ai có người tình một thời chia tan
cho mối sầu tôi góp tiếng xin van
xin nhánh mưa xa thôi đừng tới nữa
xin nụ môi ai im lời nhắc nhở
(nụ môi mềm như một thủa chiêm bao)

ôi mẹ nghèo trên quê nhà biển dâu
một chiếc bóng run đêm dài bất hạnh
một bóng mẹ thương thằng con đi trận
nhìn không qua mưa lớp lớp mù trời
ngọn đèn dầu không đủ ngắn đêm mưa
không đủ thắp thêm một lần hy vọng

đồng úng thủy cho hàng cây lá rụng
người yêu xưa chân đất có về thôn
kỷ niệm ngây thơ còn đủ vui buồn
em có ghé vườn nhà tôi gió bão
em có hiểu cho tình tôi trắc trở
khi tương lai bắt đầu mùa mưa

chiều quê người và chút mộng xanh xao
buồn như thế đến khi nào em hỡi
ngó một dòng sông, dòng sông mưa nổi
ngó thân phận mình lại khóc vô duyên

ngày còn xa - mưa đã lấp niềm tin.



phụ lục 2: bài thơ đăng dưới tên Định Nguyễn với tựa đề :"Thơ ngày mưa" trong báo văn nghệ:

gió buổi chiều thổi mỏi đời lênh đênh
qua quán cũ nghe lòng xưa đã ướt
ngó xuống bàn tay ngậm ngùi đôi mắt
bốn mươi năm chút mộng cũ vơi đầy
một góc trời đứng khóc dưới mưa bay

khúc hát tình quê ai vừa cất giọng
ai có cha già một phương lận đận
ai có người tình một thời chia tan
cho hồn tôi góp tiếng xin van
xin nhánh mưa xa thôi đừng tới nữa
xin nụ môi ai im lìm nhắc nhở
nụ môi mềm như một đoá chiêm bao

ôi cha già trên quê nghèo biển dâu
như chiếc bóng run đêm dài bất hạnh
như chiếc bóng thương thằng con xa vắng
nhìn không qua mưa lớp lớp mù trời

Ly rượu đầy không đủ cạn nỗi đau
không đủ thắp cho lòng tôi hy vọng
Đường phố chiều đông cho lòng tôi lá rụng
người yêu xưa chân đất có về luôn
kỷ niệm ngây thơ còn đủ vui buồn
em có ghé căn phòng tôi gió bão
em có hiểu cho lòng tôi nức nở
khi tình yêu bắt đầu ngày mưa

chiều quê người và chút mộng xanh xao
buồn như thế đến bào giờ em hỡi
ngó xuống con đường, con đường mưanổi
ngó thân phận mình lại khóc vô duyên

Quê thì xa, em đã vắng, đâu bình yên


Phụ lục 3: một số trao đổi của tôi với nhà thơ Hoàng Lộc trong blog của nhà thơ. Tôi vừa tìm lại thì thấy các phần trao dổi đó đã không còn. Có lẽ cũng hay, vì ở góc độ nhà thơ Hoàng Lộc, thơ nên chỉ là thơ. Song từ góc độ của tôi, qua trao đổi với ông tôi cảm thấy rất trân trọng ông, thế nên xin phép được đăng lại phần trao đổi đó với ông ở đây

Dưới đây là một vài trao đổi của tôi với nhà thơ Hoàng Lộc trong blog của ông

Như Huy còm 1: Theo tôi biết- bài thơ trên là của Định Nguyễn, biên tập viên cũ của báo Văn Nghệ
Viết bởi Như Huy — 05 Aug 2010, 19:28

Như Huy còm 2: http://my.opera.com/nguyendinhbon/blog/show.dml/2700612

Sau khi còm ở blog của nhà thơ Hoàng Lộc. Tôi được người bạn gửi cho link trên. Đọc xong tôi mới biết thật ra bài " Thơ ngày mưa" mà trước đây tôi tưởng của Định Nguyễn, thật ra là của nhà thơ Hoàng Lộc. Nay xin còm lại để xin lỗi ông. Chúc ông sức khỏe!
Viết bởi Như Huy — 05 Aug 2010, 20:45

Nhà thơ Hoàng Lộc trả lời:

Thơ Ngày Mưa là tựa đề mới của ông ấy.
Thơ Mùa Mưa là bài thơ của tôi.
Người đã ra thiên cổ - chỉ bài thơ còn lại như thế. Thôi xin lãng quên vụ này.
Cảm ơn Như Huy.
Viết bởi hoànglộc — 06 Aug 2010, 23:12

Như HUy còm 3:

Kính gửi nhà thơ Hoàng Lộc. Đây nguyên là một bài viết trong trang facebook của tôi về bài thơ này, và chủ yếu là về bài viết trên link của nhà văn Nguyễn Đình Bổn. Vì chỉ những người có trong mạng facebook mới có thể đọc được, và cũng bởi không biết làm sao liên lạc với ông, thế nên tôi mạo muội đăng lại trong phần comment này của ông. Ông có thể xóa nếu cảm thấy bị làm phiền.

Cảm ơn comment trên của ông. Ông nói đúng, người đã ra thiên cổ, chỉ thơ ca là còn lại. Thơ ca và lòng tốt là còn lại. Xin ông coi đây là một sự chia sẻ của cá nhân tôi với bài thơ rất hay của ông. Cũng là sự chia sẻ của cá nhân tôi về cuộc đời của Định Nguyễn, là người, mà vào lúc biết số phận khổ đau của ông ấy, cũng là lúc tôi được biết bài thơ của ông. Cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!

---

( sau đây là toàn bài viết ở Note trên)

------

Nhà thơ Hoàng Lộc trả lời: Xin nói riêng với anh Như Huy : Vụ này xảy ra gần 20 năm rồi. Lúc đó bằng hữu tôi phản ứng mạnh - đến nỗi tờ Văn Nghệ phải đính chính và xin lỗi.

Lý do chính để tôi không muốn nhắc vụ này là vì con trai của người đã khuất. Lúc ấy cháu mới 12 tuổi, không thể để ấn tượng này trong lòng cháu về người cha của mình !

Nay anh Như Huy nhắc - cháu bé xưa chắc đã trưởng thành ? Cũng mong cháu đọc và hiểu như anh đã hiểu về vụ bài thơ nhỏ của tôi lại vận vào đời một người khác để đến nỗi như thế.
Xin cảm ơn anh thôi
Viết bởi hoànglộc — 07 Aug 2010, 20:06




N.H. 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét